Phản bác các quan điểm xuyên tạc của các thế lực thù địch về việc quản lý thị trường vàng tại Việt Nam

Thời gian qua, giá vàng miếng trong nước biến động mạnh, chênh lệch cao so với thế giới. Lợi dụng vấn đề này, thế lực thù địch đã đăng nhiều bài viết xuyên tạc việc quản lý, điều tiết thị trường vàng tại Việt Nam. Liệu đây có phải là sự thật như những gì mà chúng đang “rêu rao”?

Diễn biến của thị trường vàng trong nước trong thời gian vừa qua có những bất cập nhất định. Giá vàng trong nước đặc biệt là vàng miếng SJC tăng mạnh so với giá vàng thế giới, giai đoạn đỉnh điểm có lúc chênh lệch đến 20 triệu đồng/lượng gây ra tâm lý “đám đông” khi người dân đổ xô đi mua vàng tích trữ. Lợi dụng vấn đề này, các thế lực thù địch đã không bỏ qua cơ hội, đăng các bài viết mang tính chất xuyên tạc về việc quản lý thị trường vàng tại Việt Nam. Chúng đưa ra các luận điểm như “Nhà nước độc quyền vàng miếng được coi là một trong những nguyên nhân khiến thị trường vàng trong nước cao hơn thế giới”, “Nhà nước độc quyền vàng miếng mang lại lợi ích cho ai?...”. Không khó để nhận ra đây là những thủ đoạn hết sức tinh vi của “bọn phản động” nhằm xuyên tạc trắng trợn về chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, sự quản lý của nhà nước đối với nền kinh tế của quốc gia.

Để bóc trần những luận điểm xuyên tạc của các thế lực thù địch thì cần làm rõ hai vấn đề sau: thứ nhất, tại sao giá vàng miếng SJC cao hơn so với vàng thương hiệu khác và vàng thế giới; thứ hai, tại sao Nhà nước lại độc quyền trong quản lý vàng miếng SJC?

Đối với vấn đề thứ nhất, tại sao giá vàng miếng SJC cao hơn vàng thương hiệu khác và vàng thế giới?

Sở dĩ giá vàng SJC cao hơn bởi nguồn cung thấp nhưng nhu cầu để tích trữ vàng của người dân rất cao, dẫn đến cầu lớn hơn cung làm vàng tăng giá. Theo bà Lê Thúy Hằng, Tổng giám đốc của công ty cổ phần vàng, bạc, đá quý SJC cho biết: từ 2014 đến nay nhà quản lý không đưa thêm nguồn cung vàng ra thị trường. Vàng miếng SJC trong lưu thông thậm chí còn được chuyển hóa sang vàng nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, sau đó đem đi xuất khẩu [1]. Ngoài ra, kinh tế vĩ mô trong thời gian vừa qua có những khó khăn nhất định, kênh đầu tư bất động sản suy thoái, lãi suất tiết kiệm thấp, các bất ổn về địa chính trị xảy ra nhiều nơi trên thế giới dẫn đến dòng tiền chuyển qua vàng tăng mạnh.

Đối với vấn đề thứ hai, tại sao Nhà nước lại độc quyền trong sản xuất vàng miếng?

Thứ nhất, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, ngày 03/4/2012 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời nhằm chống tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế ở Việt Nam. Thói quen tích trữ vàng của người dân cũng có từ lâu, một số hoạt động giao dịch, mua bán được thanh toán bằng vàng, cộng với các yếu tố đầu cơ, lũng đoạn thị trường làm cho tình trạng vàng hóa càng thêm trầm trọng. Nếu Nhà nước không quản lý được thị trường vàng, tình trạng vàng hóa sẽ ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tiền tệ và gây mất ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, gây mất ổn định tỷ giá. Chưa kể, thay vì dồn vốn vào sản xuất kinh doanh, người dân lại đổ xô tích trữ vàng sẽ gây lãng phí nguồn vốn trong xã hội. Một số thay đổi đáng kể trên thị trường vàng miếng sau khi triển khai Nghị định 24 là thị trường vàng miếng được sắp xếp lại một cách căn bản, trật tự, kỷ cương trên thị trường được xác lập, mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng được kiện toàn, giúp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ điều hành tỷ giá và thực thi chính sách tiền tệ. Đây là cơ sở chứng minh mục tiêu Nghị định 24/2012/NĐ-CP cơ bản hoàn thành, điều tiết việc kinh doanh vàng theo sự quản lý của Ngân hàng nhà nước.

Thứ hai, độc quyền vàng tạo cơ sở để Nhà nước có khả năng can thiệp vào thị trường một cách hiệu quả khi cần thiết, như trong trường hợp có biến động lớn về giá cả hoặc trong tình huống kinh tế khẩn cấp, chẳng hạn như việc Ngân hàng Nhà nước giao cho các Ngân hàng Agribank, Viettin Bank, BIDV, Vietcombank bán vàng bình ổn giá trong thời gian vừa qua.

Thứ ba, việc độc quyền vàng cũng phản ánh một phần của chính sách tiền tệ quốc gia, nơi mà vàng không chỉ là một hàng hóa mà còn là một công cụ chính sách. Vàng được coi là một phần của dự trữ quốc gia, và việc quản lý dự trữ này là một phần quan trọng của việc duy trì sự ổn định kinh tế. Hiện nay, nhiều Ngân hàng Trung ương ở nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ…tăng lượng dự trữ vàng quốc gia thông qua việc việc mua vàng. Điều này chứng minh rằng vàng là một phần trong dự trữ quốc gia để để đảm bảo sự ổn định về kinh tế trong bối cảnh địa chính trị trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp.

Thông qua việc lý giải hai vấn đề vừa nêu, có thể khẳng định những quan điểm của thế lực thù địch về việc quản lý và điều tiết thị trường vàng tại Việt Nam là hết sức phi lý và không có căn cứ. Thực tế thị trường vàng trong nước hiện nay có nhiều thương hiệu nổi tiếng như Bảo Tín Minh Châu, PNJ… cạnh tranh cùng thương hiệu vàng miếng SJC. Điều này thể hiện thị trường vàng trong nước đang phát triển lành mạnh dưới sự quản lý và điều tiết của Nhà nước. Trong giai đoạn hiện nay, mặc dù giá vàng vẫn có những diễn biến khó lường nhưng tỷ giá vẫn được giữ ở mức ổn định, mọi hoạt động của ngành ngân hàng cũng không còn bị ảnh hưởng bởi thị trường vàng. Đây là minh chứng cho việc cần có sự điều tiết của Nhà nước trong hoạt động kinh doanh vàng, đảm bảo môi trường sản xuất, kinh doanh vàng cạnh tranh lành mạnh, thông thoáng, góp phần trấn an tâm lý người dân khi giao dịch, mua bán vàng. Để quản lý thị trường vàng được tốt hơn trong thời gian tới, theo quan điểm cá nhân, Nhà nước cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp như sau:

Thứ nhất, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô tạo sự an tâm và tin tưởng đối với người dân bởi việc giá vàng tăng đột biến một phần xuất phát từ tâm lý lo ngại về lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô. Vàng thường được coi là một kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh kinh tế không chắc chắn, và sự tăng giá có thể là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang tìm kiếm sự an toàn trong vàng.

Thứ hai, Nhà nước cần nghiên cứu và sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP là xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Thông qua việc lựa chọn các doanh nghiệp có đủ điều kiện thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh vàng dưới sự quản lý của Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước có thể điều tiết thị trường vàng bằng việc cấp hạn mức sản xuất vàng miếng cho các doanh nghiệp mà không sử dụng quỹ dự trự ngoại hối của quốc gia, thay vào đó các doanh nghiệp tự cân đối nguồn ngoại tệ để nhập khẩu.

Thứ ba, thanh tra, kiểm tra thị trường vàng và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh vàng.

Thứ tư, tuyên truyền, vận động người dân thay vì mua vàng tích trữ thì nên đầu tư vào sản xuất kinh doanh góp phần phát triển kinh tế đất nước, bởi lẽ việc tích lũy nhiều vàng trong dân chưa bao giờ có lợi cho một nền kinh tế của một quốc gia./.

 

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://vnexpress.net

Tác giả: ThS. Phạm Hưng Long - Giảng viên, Trường Chính trị tỉnh Ninh Thuận




Thống kê truy cập
  • Đang online: 16
  • Hôm nay: 292
  • Trong tuần: 502
  • Tất cả: 140 531
Đăng nhập