Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng
chí Lương Khánh Thiện (13/10/1903 - 13/10/2023) là dịp để chúng ta tri ân, tôn
vinh tinh thần đấu tranh bất khuất, sự hy sinh anh dũng cùng những đóng góp to
lớn của đồng chí Lương Khánh Thiện đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Qua
đó, tiếp tục bồi đắp, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, đạo lý
“Uống nước nhớ nguồn”... cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Tiết mục khắc họa chân dung người cộng sản kiên trung Lương Khánh Thiện. Ảnh: Báo điện tử ĐCSVN
Đồng chí Lương Khánh
Thiện - Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, đã hy sinh trọn đời cho sự nghiệp
cách mạng của Đảng, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đồng chí là hình tượng
cao cả, đẹp đẽ của người cộng sản Việt Nam: Yêu nước, sáng tạo, anh hùng bất khuất,
mãi mãi là niềm tự hào của Đảng và dân tộc ta.
Đồng chí Lương Khánh
Thiện sinh ngày 13/10/1903 tại xã Mễ Tràng, tổng Mễ Tràng, huyện Thanh Liêm, tỉnh
Hà Nam, nay thuộc phường Liêm Chính, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Cuộc đời của
đồng chí tuy ngắn ngủi, nhưng đã có những cống hiến vô cùng to lớn cho sự nghiệp
cách mạng giải phóng dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Hoạt động và cống
hiến của đồng chí Lương Khánh Thiện được thể hiện rất sáng tạo, trải rộng trên
nhiều lĩnh vực và nhiều địa bàn khác nhau.
Sinh ra trong gia đình
nhà nho nghèo yêu nước, từ
năm 1923 đến 1925, đồng chí Lương Khánh Thiện rời quê ra thành phố Hải Phòng
xin vào học Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng (lúc đó thường gọi là Trường
Bách nghệ), đồng chí sớm hòa nhập và tích cực tham gia các phong trào đấu tranh
yêu nước của học sinh, như tham gia vận động học sinh bãi khóa, đòi nhà
cầm quyền thực dân trả tự do cho cụ Phan Bội Châu, đòi để tang cụ Phan Chu
Trinh…
Năm
1926, đồng chí Lương Khánh Thiện về Nam Định làm thợ nguội Nhà máy Sợi; năm
1927, đồng chí được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Định.
Năm 1928, đồng chí trở lại Hải Phòng và thực hiện chủ trương “vô sản hóa” trong
phong trào công nhân. Tháng 4/1929, đồng chí Lương Khánh Thiện được kết nạp vào
Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Hải Phòng.
Ngày
17/6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng thành lập, đồng chí Lương Khánh Thiện được
kết nạp và trở thành một trong những người cộng sản lớp đầu tiên của Đảng.
Giữa
năm 1929, Đồng chí bị địch bắt và đưa về giam ở nhà lao Hải Phòng; ngày
29/01/1931 chính quyền thực dân Pháp đã mở phiên tòa kết án Đồng chí mức án khổ
sai chung thân, đưa về giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), sau đó mùa hè năm 1931,
Đồng chí bị đưa đi đày ở nhà tù Côn Đảo.
Tháng
9/1936, đồng chí Lương Khánh Thiện được trả tự do và trở về đất liền tiếp tục
tham gia hoạt động cách mạng. Tháng 3/1937, tại Hội nghị thành lập Xứ ủy lâm
thời Bắc Kỳ, đồng chí Lương Khánh Thiện được cử làm Bí thư Xứ ủy lâm thời (đến
tháng 9/1937); kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội (đến năm 1938).
Ngày
29/12/1938, đồng chí Lương Khánh Thiện bị địch bắt lần thứ hai tại Hà Nội, sau
đó được trả tự do vì không đủ căn cứ kết tội. Tháng 01/1939, đồng chí đảm nhận
nhiệm vụ Bí thư Xứ ủy, lãnh đạo phong trào cách mạng của Bắc Kỳ và Hà Nội đến
tháng 9/1939. Sau đó, đồng chí được cử thay mặt Xứ ủy đi chỉ đạo bí mật xây
dựng căn cứ và tổ chức cơ sở cách mạng cho Đảng ở tỉnh Phú Thọ.
Tháng
10/1940, Đồng chí được phân công làm Bí thư Liên tỉnh B (gồm Hải Phòng, Quảng
Yên, Hòn Gai, Hải Dương, Hưng Yên và một phần tỉnh Kiến An) và trực tiếp phụ
trách Đảng bộ Hải Phòng.
Tháng
01/1941, trong khi đi nắm tình hình và chỉ đạo phong trào công nhân ở Hải
Phòng, Đồng chí bị mật thám Pháp bắt và đưa về giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò. Sau
đó, tòa án chính quyền thực dân đã kết án tử hình và ngày 02/9/1941, đồng chí
bị địch xử bắn tại Kiến An, Hải Phòng.
Kỷ
niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu
biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn
quân ta đang đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII
của Đảng, tiếp tục thực hiện tốt các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và
Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng,
chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý
nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống,
biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; gắn với thực hiện Kết luận số
01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW
của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh.
Đây
là dịp để chúng ta tri ân, tôn vinh tinh thần đấu tranh bất khuất, sự hy sinh
anh dũng cùng những đóng góp to lớn của đồng chí Lương Khánh Thiện đối với sự
nghiệp cách mạng Việt Nam. Qua đó, tiếp tục bồi đắp, giáo dục lòng yêu nước,
truyền thống cách mạng, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” trong các tầng lớp Nhân
dân và để chúng ta càng có thêm tinh thần và ý
chí để kế thừa và phát huy những giá trị cao đẹp của các thế hệ đi trước để lại,
tiếp tục truyền cảm hứng và trách nhiệm cho các thế hệ hôm nay và mai sau tiên
phong và đóng góp có hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam
xã hội chủ nghĩa.
Phát
huy tinh thần đấu tranh bất khuất, sự hy sinh anh dũng cùng những đóng góp to
lớn của đồng chí Lương Khánh Thiện đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, mỗi
cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tỉnh Ninh Thuận,
nhất là đối với thế hệ trẻ quyết tâm noi theo tấm gương sáng ngời, tinh
thần cống hiến hy sinh của đồng chí Lương Khánh Thiện. Từ đó, không ngừng nâng
cao đạo đức cách mạng, luôn có niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cách mạng cao
đẹp của Đảng, không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, nỗ lực học tập, tu
dưỡng, rèn luyện, nêu cao tinh thần đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ khối đoàn kết
thống nhất trong Đảng, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh
công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, góp
phần xây dựng quê hương Ninh Thuận càng giàu đẹp, văn minh, hạnh
phúc.