Truyền thống lịch sử miếu Năm Bà

Ngược dòng thời gian lịch sử, chúng tôi tìm về nơi 76 năm về trước đã diễn ra hội nghị bất thường bàn kế hoạch để biến cuộc mít tinh tổ chức “Thanh niên tiền tuyến” của Nhật thành cuộc tuần hành thị uy ủng hộ Việt Minh, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước quần chúng Nhân dân, thần tốc giành chính quyền của Ủy ban Việt Minh tỉnh Ninh Thuận tổ chức.

Được xây dựng cách đây gần 2 thế kỷ, miếu Năm Bà tọa lạc tại phường Bảo An (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Trước đây đường vào Miếu khá hẹp, khi được các nhà hảo tâm ngỏ ý muốn xây dựng đường vào Miếu, ông Trương Văn Mai, ở Bảo An đã không ngần ngại hiến hơn 100 m2 đất để mở rộng đường vào Miếu. Hiện nay đường vào Miếu đã được bê tông, tạo điều kiện cho bà con đi lại dễ dàng, góp phần không nhỏ vào việc trùng tu, tôn tạo khu di tích lịch sử cấp tỉnh. Người trông coi Miếu là cụ bà Lê Thị Sáo, năm nay đã 91 tuổi, nhưng sức khỏe vẫn tốt, vừa tiếp chuyện với chúng tôi cụ Sáo vừa quét lá trong sân Miếu. Theo lời kể của cụ, trước ngày giải phóng, người trông coi Miếu là mẹ của cụ Sáo. Sau khi mẹ cụ mất, cụ Sáo tiếp tục công việc này từ những năm đầu giải phóng cho đến nay.

Đường vào Miếu Năm Bà đã được bê tông, tạo điều kiện cho bà con đi lại dễ dàng

Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy lưu giữ, không khí lúc bấy giờ rất căng thẳng, trưa ngày 16-8-1945, được tin Nhật đã đầu hàng phe đồng minh vô điều kiện, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đề ra kế hoạch chuẩn bị cho việc khởi nghĩa giành chính quyền. Được tin chiều ngày 21-8-1945 tổ chức “Thanh niên tiền tuyến” thân Nhật sẽ tổ chức mít tinh tại sân Trường Tiểu học Bảo An, ngay trưa ngày 20-8, Ủy ban Việt Minh tỉnh họp bất thường tại miếu Năm Bà để quyết định biến cuộc mít tinh trên thành cuộc mít tinh công khai của Việt Minh, kêu gọi quần chúng đứng lên giành chính quyền.

15 giờ ngày 21-8-1945, đông đảo thanh niên cứu quốc, công nhân, quần chúng cách mạng được trang bị vũ khí thô sơ, băng rôn, khẩu hiệu, cờ đã biến cuộc mít tinh của địch thành cuộc biểu tình tuần hành thị uy của quần chúng cách mạng và nhanh chóng giành chính quyền ở Tháp Chàm. Đến 18 giờ 45 phút cùng ngày, đoàn biểu tình kéo xuống Phan Rang phối hợp với lực lượng cách mạng khống chế các công sở, đồn trại của binh lính tay sai Nhật. Tỉnh trưởng Phan Văn Phúc giao nộp ấn tín, chìa khóa, ấn chỉ kho bạc... cho Việt Minh, đánh dấu chính quyền cấp tỉnh đã về tay Nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của cán bộ Việt Minh các cấp từ ngày 21 đến 22-8-1945, hầu hết các làng, huyện, tổng trong tỉnh nhanh chóng giành được chính quyền. Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời được thành lập và ra mắt đồng bào vào ngày 22-8-1945.

Ngày nay, hằng năm tại miếu Năm Bà, Tỉnh đoàn thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt truyền thống và nghe các đồng chí lão thành cách mạng kể chuyện về diễn biến cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh ta (21-8-1945) cho các đoàn viên, thanh niên, học sinh; qua đó, giáo dục, bồi đắp lòng tự hào dân tộc, lý tưởng cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước trong thế hệ trẻ tỉnh nhà.

Sự kiện Ủy ban Việt Minh tỉnh họp bất thường tại miếu Năm Bà để quyết định biến cuộc mít tinh trên thành cuộc mít tinh công khai của Việt Minh, kêu gọi quần chúng đứng lên giành chính quyền, là những chứng tích ghi lại một chặng đường đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất đầy hy sinh gian khổ nhưng vô cùng vẻ vang của quân dân Ninh Thuận, là hình ảnh quý báu để giáo dục các thể hệ trẻ hiện nay và mai sau, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, quyết tâm bảo vệ vững chắc nền độc lập tự do của Tổ quốc xây dựng quê hương giàu mạnh theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.

Nguồn NTO

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Hệ thống quản lý văn bản điều hành
Hệ thống thông tin tổng hợp
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 680
  • Trong tuần: 6 744
  • Tất cả: 945 014
Đăng nhập
Chung nhan Tin Nhiem Mang