
Công tác tư vấn xuất khẩu
lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Ảnh BNT
Ban Bí thư đánh giá “Kết
quả của công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần tạo việc
làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, xây
dựng quê hương, đất nước, quảng bá hình ảnh và những giá trị tốt đẹp của
đất nước, văn hóa, con người Việt Nam đến cộng đồng quốc tế; nhiều người khi về
nước tiếp tục tham gia có hiệu quả vào thị trường lao động trong nước với
tinh thần, ý thức trách nhiệm và năng lực, trình độ, kỹ năng tay nghề cao”.
Đồng thời cũng đã chỉ ra các mặt hạn chế là “Nhận thức của một số cấp uỷ, tổ chức đảng,
chính quyền, ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương về công tác đưa người
lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa đầy đủ; quản lý nhà nước còn phân tán,
chồng chéo; một số cơ chế, chính sách ban hành chậm, thiếu đồng bộ; chi phí đi
làm việc ở nước ngoài cao, tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trái phép, vi phạm pháp luật của nước sở
tại, bỏ hợp đồng, hoặc khi hết hạn hợp đồng không về nước chậm được khắc
phục; công tác quản lý, bảo hộ công dân đối với lao động Việt Nam tại các nước,
vùng lãnh thổ còn nhiều bất cập; năng lực của một số tổ chức, doanh nghiệp
đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu,
cạnh tranh không lành mạnh...”.
Từ đó, Chỉ thị số 20-CT/TW đã đề ra 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp
trọng tâm đó là: (1) Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận
thức của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, người lao động
và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác đưa người lao động Việt
Nam đi làm việc ở nước ngoài. Xác định công tác đưa người lao động đi làm việc ở
nước ngoài là góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng
thu nhập cho người lao động…; (2) Rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật liên
quan đến công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, bảo đảm
điều chỉnh bao quát các đối tượng, loại hình lao động. Cơ chế, chính sách, điều
kiện tuyển chọn người lao động đi làm việc ở nước ngoài bảo đảm phù hợp với các
cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia…; (3) Nâng cao năng lực, hiệu lực,
hiệu quả quản lý nhà nước về công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở
nước ngoài...; (4) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá
kết quả thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với
công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài…
Tại Ninh Thuận, những năm qua, Tỉnh ủy, Ban Cán sự đảng Ủy ban
nhân dân tỉnh đã rất chú trọng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng
các kế hoạch tuyên truyền, tư vấn; ban hành các chính sách về hoạt động đưa người
lao động trong tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Từ đó, số lượng
lao động trong tỉnh đi làm việc ở nước ngoài những năm gần đây đều đạt và vượt
chỉ tiêu đề ra; gần nhất là năm 2022, mặc dù chịu sự tác động bởi dịch bệnh
Covid-19, tỉnh đã tổ chức cho 154 lao động trong tỉnh đi làm việc ở nước
ngoài, đạt 102,67% kế hoạch giao, tăng 5,5 lần so với năm 2021; phần lớn các
lao động đi làm việc ở các nước: Nhật Bản 132 lao động; Hàn Quốc 02 lao động;
Đài Loan 17 lao động; Nga 02 lao động và Hungary 01 lao động.
Tuy nhiên, nếu so với mặt bằng chung cả nước, số lượng lao động
Ninh Thuận đi làm việc ở nước ngoài còn khá thấp, năm 2022 mặc dù là năm đạt
cao nhưng cũng chỉ chiếm 1,07% của cả nước (theo số liệu của Bộ Lao động - Thương
binh và xã hội, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm
2022 là 142.779 người, đạt 158,64% kế hoạch). Nguyên nhân của con số khiêm
tốn nói trên, bên cạnh các nguyên nhân cơ bản như Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban
Bí thư đã chỉ ra; báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch triển khai các hoạt động
nhằm đẩy mạnh công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên
địa bàn tỉnh năm 2022 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội còn nêu một số
nguyên nhân khác, trong đó có hai vấn đề cơ bản, cụ thể diễn ra trên địa
bàn tỉnh đó là:
Công tác tuyên truyền các chính sách về việc làm, đào tạo nghề và
hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa được sâu rộng cho
người lao động địa phương. Mặt khác, một bộ phận người lao động mặc dù có
nhu cầu nhưng lại không hào hứng tham gia các buổi tư vấn, dẫn đến việc thiếu
thông tin, khó xác định được yêu cầu và khả năng đáp ứng của từng hợp
đồng cụ thể đặt ra.
Phần lớn người lao động có nhu cầu tham gia đi làm việc ở nước
ngoài là lao động nông thôn, khó khăn về kinh tế, bản thân và gia đình không có
hoặc không đủ điều kiện tham gia đi làm việc ở các thị trường có mức chi phí
cao như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Đồng thời nhóm người này cũng không
thuộc các đối tượng được hỗ trợ vay vốn theo Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND ngày
31/8/2021 của HĐND tỉnh và Quyết định số 71/2021/QĐ-UBND ngày 27/9/2021 của
UBND tỉnh nên vẫn còn gặp khó khăn về chi phí để tham gia.
Từ những nguyên nhân cơ bản nói trên, để thực hiện tốt công tác
lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư trong thời
gian tới, bên cạnh việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo Kế hoạch
của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban
Bí thư, các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở cần tập trung sâu hơn vào một số
vấn đề trọng tâm như:
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương
chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về hoạt động xuất khẩu lao động; giúp
người dân nâng cao nhận thức, nắm rõ thông tin về thị trường lao động ngoài nước.
Xác định công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là góp phần phát
triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động,
nhất là lao động ở nông thôn, địa bàn đặc biệt khó khăn từ đó có các hình thức
tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt là đối tượng thuộc diện được
hỗ trợ vay vốn theo Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và Quyết định số
71/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh và những người thực sự có nhu cầu đi làm việc ở
nước ngoài theo hợp đồng.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng về
công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua việc chỉ đạo các
ngành chức năng, Ủy ban nhân dân các cấp phải gắn việc xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch
đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với định hướng, chiến lược, kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thường xuyên phổ biến, cập nhật kiến thức cho người lao động có
nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài để những người này biết lựa chọn những
công ty, doanh nghiệp uy tín, đủ tư cách pháp nhân và đựơc phép tuyển dụng
lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm
pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động và phòng tránh thiệt hại cho người
lao động.
Tăng cường kết nối với các công ty, doanh nghiệp xuất khẩu lao động
có năng lực, uy tín, nhất là với Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh để giới thiệu
các chương trình, dự án tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tạo
kênh thông tin trực tiếp từ Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh về với địa phương
để người lao động biết, tham gia các phiên giao dịch việc làm, qua đó mở rộng
cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp cho từng lao động.
Việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ là một
nhu cầu tất yếu trong tình hình mới mà còn là một trong những giải pháp trọng
tâm để xây dựng và phát triển ổn định kinh tế - xã hội địa phương; đồng
thời là công cụ để chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài, giúp đào tạo
đội ngũ lao động có chất lượng, nâng cao tay nghề và rèn luyện tác phong công
nghiệp cho người lao động; mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế...
Chỉ thị số 20-CT/TW là một chủ trương lớn, xem việc xuất khẩu lao
động là một trong những ngành kinh tế đối ngoại mang lại nhiều lợi ích to lớn cả
về mặt kinh tế - xã hội, là giải pháp tạo việc làm quan trọng và mang tính chiến
lược của nước ta. Vì vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị
cần quan tâm hơn nữa đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo và các vấn đề nói trên để
góp phần triển khai đạt hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm như Chỉ thị số 20-CT/TW
đề ra.