
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển thần tốc của
Internet, mạng xã hội và các website, các nền tảng chia sẽ thông tin đang phát triển
một cách mạnh mẽ, nhanh chóng chưa từng có trong lịch sử. Với sự phát triển đó,
đã mở ra một không gian mạng vô cùng rộng lớn, chứa đựng vô vàn thông tin trong
đó. Tất nhiên, đi liền với nó là tính chất hai mặt, bao gồm cả tích cực và tiêu
cực.
Mạng xã hội, các website, các nền tảng chia sẻ thông tin hiện
đang phát triển một cách nhanh chóng, cung cấp cho cộng đồng mạng nhiều kiến thức
mới, nhiều cách thức tiếp cận, nhiều tiện ích giải trí và vô vàn thông tin bổ
ích trên không gian mạng. Bên cạnh đó, không gian mạng cũng tồn tại rất nhiều
những thông tin không đúng sự thật, thông tin xấu độc và nguy hiểm hơn nữa là
những quan điểm sai trái, thù địch mà các thế lực phản động luôn tìm cách tuyên
truyền cho cộng đồng mạng nhằm mục đích lôi kéo những cư dân mạng không đủ tỉnh
táo, không tìm hiểu thông tin chính xác, không đủ bản lĩnh nhận thức đúng, sai
mà từ đó mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước và tìm cách phá hoại đất nước ta.
Điển hình có thể thấy một số tổ chức phản động ngoài nước
như “Việt Tân”, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lưu vong”, “VOA tiếng việt” … đã
thiết lập các Fanpage Facebook, các kênh Youtube, Tiktok … và liên tục đưa một
khối lượng lớn những thông tin sai lệch, những quan điểm sai trái, thù địch lên
không gian mạng. Điểm mới trong phương thức, thủ đoạn chống phá của chúng là sử
dụng triệt để mạng xã hội, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để nhào nặn những
thông tin, cắt ghép những hình ảnh, video để xuyên tạc, bôi nhọ, dựng chuyện đời
tư của một số nhân sự cấp cao của Đảng liên quan đến một vài cán bộ cấp cao bị
xử lý kỷ luật trong thời gần đây nhằm phá hoại niềm tin của Nhân dân vào Đảng,
Nhà nước nhằm âm mưu thực hiện “diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ”.
Một hình thức khác là chúng sản xuất các chương trình truyền
hình và sử dụng các phần tử phản động, chống đối Việt Nam ở nước ngoài làm diễn
giả dưới cái danh nghĩa giả tạo là bản tin “hướng về Việt Nam”. Thực chất của
những chương trình này là bôi nhọ, nói xấu, tuyên truyền những thông tin sai sự
thật về Đảng Cộng sản Việt Nam với giọng điệu chống phá quyết liệt.
Một ví dụ thực tế: Các tổ chức phản động thường dùng con bài
mà chúng tự đánh giá, tự suy diễn ra là ở Việt Nam không có tự do Internet,
không có tự do ngôn luận trên không gian mạng. Thông tin phiến diện, sai sự thật,
tiêu cực này được đưa ra do tổ chức Freedom House (FH) có trụ sở tại Mỹ đã tự
khoác lên mình chiếc áo tự do nhân quyền, tự biên soạn và công bố Việt Nam là
quốc do kém tự do Internet nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, một thực tế mà không một người Việt Nam nào có thể
phủ nhận là Internet ở Việt Nam đang phát triển một cách mạnh mẽ, thần tốc,
chưa từng có trong lịch sử. Hiện nay, ở bất cứ nơi nào chúng ta cũng có thể
truy cập vào mạng Internet toàn cầu bằng wifi hoặc sóng di động 4G, 5G, truy cập
vào mạng xã hội, xem các video giải trí hay gọi video cho người thân, gia đình.
Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông tính
đến tháng 09/2022, số lượng người dùng Internet tại Việt Nam vào khoản 70 triệu
người, chiếm khoảng 70% dân số cả nước. Với con số này, Việt Nam chúng ta có lượng
người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong 35 quốc
gia và vùng lãnh thổ thuộc Châu Á. Hiện tại, Việt Nam có 1.952 trang thông tin
điện tử tổng hợp và 935 mạng xã hội trong nước đã được cấp phép hoạt động. Đây
đều là những diễn đàn trực tuyến để người dân có thể tự do chia sẻ, bày tỏ
thông tin, quan điểm cá nhân. Như vậy, những thông tin về Việt Nam không có tự
do biểu đạt, tự do báo chí, tự do ngôn luận hay không có Internet thì cộng đồng
mạng chúng ta đều tự hiểu rõ là đúng hay sai.
Hay như sự việc về một clip dài 15 giây xuất hiện trên không
gian mạng ngày 11/01/2023 được cho là có 01 nữ sinh trường Đại học HUFLIT thành
phố Hồ Chí Minh đang học quân sự tại Trường Quân sự Quân khu 7 bị quân nhân cưỡng bức tập thể và nhảy lầu tự tử. Sau đó,
vụ việc được lan truyền với tốc độ khủng khiếp trên các nền tảng mạng xã hội và
các phần tử, đối tượng phản động đăng tải, tuyên truyền sai lệch, cập nhật tin
giả, gán ghép Quân đội giấu diếm, không cung cấp thông tin. Từ đó, chúng tạo
thành một chiến dịch “truyền thông bẩn”, xuyên tạc hình ảnh, hạ thấp nhân phẩm,
uy tín, phẩm chất tốt đẹp của Quân nhân. Và những thông tin sai sự thật đó đã
được cộng mạng lan truyền một cách chóng mặt trên không gian mạng, trên các mạng
xã hội, các nền tảng video …
Sau đó 01 ngày, vào chiều ngày 12/01/2023, chỉ khi nữ chính
trong câu chuyện được thêu dệt kia xuất hiện trong buổi họp báo trao đổi thông
tin với báo chí và đính chính thông tin trên là hoàn toàn sai sự thật và đây chỉ
là vụ việc tranh cãi xuất phát từ mâu thuẫn đời thường giữa 02 nữ sinh trong
trường. Lúc này, cả cộng đồng mạng mới vỡ lẽ là đã bị “truyền thông bẩn” của những
cư dân mạng thiếu hiểu biết, thích câu like, câu view và các thế lực chống phá dắt
mũi một cách ngoạn mục.
Trên đây chỉ một trong những ví dụ nhỏ trong vô vàn những thông
tin sai sự thật, xấu độc, thù địch đang được các thế lực phản động tung lên
không gian mạng nhằm làm lung lay niềm tin của Nhân dân vào Đảng, vào Nhà nước; hòng thực hiện chống phá đất nước ta. Từ đó, cộng đồng mạng chúng ta có thể thấy
rõ được việc sử dụng mạng xã hội để tiếp cận thông tin phải cẩn thận, suy xét kỹ
lưỡng, tiếp nhận thông tin đa chiều, chọn lọc và loại bỏ những thông tin xấu, độc,
những quan điểm sai trái, thù địch, kích động chống phá Đảng, chống phá Nhà nước.
Cũng như cơ thể chúng ta, nếu khỏe mạnh, cường tráng, có đủ
sức đề kháng thì sẽ dễ dàng miễn dịch được trước những bệnh dịch nguy hiểm. Vì
vậy, cách tốt nhất để xây dựng một cộng đồng mạng thông thái, biết tiếp nhận những
thông tin chính thống, sàng lọc, loại bỏ những thông tin xấu, độc, những quan
điểm sai trái, thù địch thì mỗi cư dân mạng phải nâng cao “sức đề kháng”, “tự
miễn dịch” trước những luồng thông tin đó.
Trước tiên, mỗi cư dân mạng cần trang bị cho mình những kiến
thức cần thiết khi tham gia mạng xã hội, tìm kiếm thông tin trên không gian mạng.
Những kiến thức quan trọng mà chúng ta cần trang bị như: Luật An ninh mạng (Luật
số 24/2018/QH14), Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của Bộ Thông tin Truyền
thông (Quyết định 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021)…
Mỗi cư dân mạng phải nâng cao kiến thức cá nhân về các vấn đề
trong đời sống văn hóa, xã hội, thường xuyên cập nhật các thông tin chính thống
qua các kênh thông tin, các Fanpage, các Cổng thông tin điện tử… của các cơ
quan Đảng, Nhà nước, các cơ quan báo chí chính thống như: Báo Nhân dân, Thông
tin Chính phủ, VTV24, Truyền hình Quốc Hội, các Cổng thông tin điện tử, các
Fanpage của chính quyền địa phương…
Chúng ta tiếp cận được càng nhiều nguồn thông tin chính thống
trên không gian mạng thì “sức đề kháng” của chúng ta trước những thông tin xấu
độc, quan điểm sai trái, thù địch sẽ ngày càng được nâng cao, dần hình thành hệ
thống “tự miễn dịch” trước những luồng thông tin đó.
Bên cạnh đó, khi vô tình thấy những thông tin, nguồn tin
chưa được xác thực, những tin tức giật gân, không được kiểm chứng; hay những
thông tin mang tính thù ghét, gây chia rẽ, các hình ảnh, video bôi nhọ lãnh tụ,
cán bộ các cấp hay truyền bá các thông tin sai lệch thì chúng ta phải báo cáo
ngay cho cơ quan chức năng có thẩm quyền để tiến hành xử lý, tuyệt đối không
chia sẽ, bình luận hay thả tim, thả like những thông tin này. Luôn giữ tỉnh táo
với các luận điệu xuyên tạc, vu khống, quan điểm trái, thù địch, các thông tin
phá hoại đất nước, dân tộc ta; luôn suy nghĩ kỹ, kiểm tra tính chính xác của
thông tin khi tiến hành chia sẽ trên các trang cá nhân, các kênh thông tin để bảo
đảm thông tin đăng tải là chính xác, tránh gây hoang mang dư luận, vi phạm pháp
luật và tự làm hại chính mình.
Trong không gian mạng vô cùng rộng lớn, với lượng thông tin
khổng lồ, việc nâng cao “sức đề kháng”, “tự miễn dịch” trước những thông tin xấu
độc, những quan điểm sai trái, thù địch và từng bước loại trừ chúng để mỗi công
dân mạng có thể tiếp thu những thông tin bổ ích, có lợi cho cuộc sống, công việc
của chúng ta là một việc hết sức hệ trọng, cần sự chung tay, góp sức của tất cả
cộng đồng mạng.
Hãy là một công dân mạng Việt Nam có hiểu biết, có kiến thức,
có tinh thần làm đẹp, làm trong sạch không gian mạng, tuân thủ quy định của
pháp luật, giữ gìn các giá trị, nét đẹp truyền thống của dân tộc, từng bước xây
dựng, lan tỏa các giá trị đích thực của dân tộc ta trên không gian mạng.